Tức ngực trái và khó thở có phải dấu hiệu của bệnh tim?

 

0979***660

Tức ngực trái và khó thở có phải dấu hiệu của bệnh tim?

Chào Bác sĩ. Cháu năm nay 23 tuổi, gần đây cháu bị tức ở ngực trái và hơi khó thở. Cơn đau thấu qua bả vai trái và lan xuống cánh tay trái. Cảm giác đau nhức, lúc trước thỉnh thoảng cháu cũng bị như thế nhưng cơn đau nhẹ và thoáng qua nên cháu không để ý. Nhưng gần đây cơn đau kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Và hầu như ngày nào cũng bị nhất là khi cháu căng thẳng và lo lắng. Vậy có phải cháu đang có dấu hiệu của bệnh tim mạch không thưa Bác sĩ?
Cảm ơn  - 10/05

BS. Đặng Phương Liên - Chuyên khoa Nội - Bộ Y tế

Tức ngực trái và khó thở có phải dấu hiệu của bệnh tim?

Chào bạn!
Đau ngực trái có thể là khởi đầu của bệnh mạch vành, nếu chậm trễ để xảy ra biến chứng thì nguy cơ tử vong rất cao. Biểu hiện thường là đau ngực bên trái như thắt bóp, đè ép tim. Đau có xu hướng lan lên vai trái, xuyên ra sau lưng và lan xuống cánh tay trái.
Động mạch vành là tên gọi của các động mạch phân nhánh dẫn máu, ôxy đến nuôi dưỡng cơ tim. Bệnh mạch vành thường liên quan đến tình trạng tắc nghẽn trong lòng mạch vành (nguyên nhân do mảng xơ vữa gây hẹp tắt hay do cục máu đông gây lấp mạch) hoặc co thắt mạch vành. Đau ngực do tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim thường là đau ngực lúc nghỉ. Đau ngực do hẹp mạch vành thường là đau ngực xảy ra khi gắng sức do lúc đó tim hoạt động nhiều hơn và đòi hỏi nhiều máu đến tim hơn. Các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường, gia đình có người bị bệnh động mạch vành sớm, tuổi sau 40-50...
Khi bị đau ngực, bạn nên ngừng mọi cử động, nếu đang ở nhà thì cần nằm yên tĩnh trên giường, hoặc theo tư thế nửa nằm nửa ngồi, tránh di chuyển, vận động. Thường chỉ nghỉ ngơi như vậy cũng có thể hết đau, nhưng nếu đau nặng lên thì cần phải đến bệnh viện ngay. Hiện tại cơn đau của bạn đã tăng tần suất xuất hiện và thời gian kéo dài, bạn nên đến cơ sở y tế để được khám bệnh và chẩn đoán xác định bệnh, từ đó có hướng xử lý thích hợp.
Ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng cần chú ý tránh vận động gắng sức, nhất là gắng sức đột ngột, đi bộ nhanh, lên dốc, lên cầu thang, đi ngược gió..., tránh lạnh, tránh gió lùa, có thời gian nghỉ ngơi xen kẽ với học tập, lao động một cách hợp lý. Bạn cũng cần tìm cách thư giãn, giải trí phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và sở thích của bản thân, tránh lo lắng, căng thẳng. Hạn chế uống cà phê, trà; không uống rượu, bia. Không hút thuốc lá và tránh môi trường có khói thuốc lá. Có chế độ ăn hợp lý, hạn chế thức ăn nhiều mỡ, phủ tạng động vật, nên dùng dầu thực vật thay mỡ động vật.
Chúc bạn mau khỏe!



Share on Google Plus

About Trần Lệ Thu

Thông tin sức khỏe gia đình: bệnh tim mạch - xương khớp - hô hấp - máu - mắt - nội tiết - răng hàm mặt - ung thư - tâm thần - tiêu hóa - sinh sản.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét